xuat-khau-tom-hil.jpg

Xuất khẩu tôm sang Australia: Doanh nghiệp Việt Nam cần tính chuyện đường dài

04/05/2017 Air CargoOcean CargoSalesXuất Khẩu

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu tôm chế biến lớn nhất sang Australia. Tuy nhiên, do các quy định nghiêm ngặt từ phía Australia đối với tôm cũng như sản phẩm tôm nhập khẩu nên Việt Nam hiện mới chỉ đưa được tôm đã luộc chín hoặc tôm tẩm bột, gia vị, chứ chưa thể xuất khẩu tôm tươi đông lạnh nguyên con vào Australia. Trong khi đó, nhu cầu về tôm tươi nguyên con ở Australia lớn hơn rất nhiều.

Lao đao vì lệnh cấm

Trước đó, ngày 9/1, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia cho biết, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín kể từ ngày 9/1/2017 do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland. Theo đó, các lô hàng đến Australia kể từ 12h00 ngày 9/1/2017 (theo giờ Australia) sẽ bị tiêu huỷ hoặc tái xuất. Các sản phẩm tôm đang trên đường nhập khẩu và sẽ đến Australia trước 12h00 ngày 9/1/2017 sẽ phải chịu kiểm tra nâng cao và tăng cường chế độ thử nghiệm. Sản phẩm tôm nhập khẩu quá cảnh sang Australia cũng phải chịu chế độ kiểm tra và thử nghiệm ngặt nghèo.

Thông tin này ngay lập tức gây nên một cơn chấn động với các nước xuất khẩu tôm đến quốc gia này, trong đó có Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cho hay họ thiệt hại hàng tỷ đồng cho các lô hàng đã giao đang lênh đênh trên biển mà buộc phải quay trở về.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù không phải là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhưng Australia là thị trường tiềm năng của Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao trong những năm gần đây. Việt Nam hiện là một trong bốn nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Australia (sau Thái Lan, Trung Quốc, New Zealand) và đang chiếm 11,2% thị phần nhập khẩu tại thị trường này. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 100 triệu USD tôm sang Australia. Các sản phẩm chủ yếu là tôm đã luộc chín hoặc tôm chế biến sâu như tôm tẩm bột, gia vị sang Australia. Lệnh cấm của Australia do đó đã ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm tẩm bột, tẩm gia vị của Việt Nam.

Sau khi lệnh cấm được ban hành khoảng 1 tháng, vào đầu tháng 2/2017, nhận thấy mối nguy hiểm từ một số sản phẩm là không lớn, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã ra thông báo nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm và sản phẩm từ tôm chưa luộc chín hoặc nấu chín. Các sản phẩm được dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bao gồm tôm khô và thực phẩm bảo quản lâu dài – tức sản phẩm được cất giữ trong thùng, ngăn, tủ lạnh để sử dụng lâu dài; mồi ăn sử dụng trong ngành thủy sản đã được chiếu xạ, thức ăn cho vật nuôi được chế biến từ thủy sản và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản; tôm chưa luộc chín hoặc nấu chín được khai thác từ Vùng đặc quyền kinh tế của Australia (theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982), nhưng không bao gồm tôm từ vùng này đã được xuất khẩu và được nhập khẩu trở lại Australia sau khi đã được chế biến. Lệnh cấm này được đánh giá là giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn.

Cần nhiều giải pháp cấp thiết

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, hàng năm, lượng tiêu thụ thủy sản tại Australia vào khoảng 1 triệu tấn, trong đó tôm được tiêu thụ nhiều nhất lên tới 60.000 tấn. Với sản lượng thủy sản (bao gồm cả nuôi và khai thác) chỉ đạt khoảng 220.000-280.000 tấn/năm, Australia phải gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Australia có xu hướng gia tăng nhập khẩu sản phẩm thủy sản giá rẻ, chủ yếu là từ châu Á. Nhờ hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây nên châu Á đang trở thành nguồn cung cấp thủy sản chủ yếu cho thế giới.

Mặc dù nhập khẩu một lượng thủy sản lớn, trong đó có tôm, nhưng cho đến nay, các quốc gia mới chủ yếu xuất khẩu tôm đã qua chế biến sang Australia chứ chưa có quốc gia nào được cấp phép xuất khẩu tôm tươi nguyên con đến thị trường này. Trong năm 2016, phía Việt Nam và Australia đã có nhiều buổi làm việc để thúc đẩy việc XK tôm tươi nguyên con đến Australia, và phía Australia cũng tỏ rõ thiện chí với vấn đề này.

Tuy nhiên, sự cố đầu năm với con tôm một lần nữa cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung phải thực sự có một chiến lược dài hạn với sản phẩm chủ lực này. Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Đại diện thương mại Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng, Australia là quốc gia có những đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm mà ta phải tuân thủ. Do đó, giải pháp là phải bằng mọi cách duy trì chất lượng sản phẩm, đảm bảo đúng cam kết nếu muốn duy trì thị phần tại quốc gia này.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Australia là quốc gia không có những bệnh ở thủy sản như bệnh đốm trắng, đầu vàng…. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền của Australia rất e ngại sự xâm nhiễm mầm bệnh thủy sản. Sự cố đầu năm 2017 cho thấy rõ ràng sự quyết liệt của quốc gia này trong việc bằng mọi cách ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh cho ngành nông nghiệp trong nước.

Để gỡ khó cho con tôm vào Australia, Cục Thú y đã có kế hoạch hành động rất cụ thể liên quan đến việc kiểm soát dịch bệnh, trong đó có kế hoạch quốc gia để kiểm soát dịch bệnh theo yêu cầu của Australia. Với hệ thống tổ chức từ trung ương tới cơ sở nuôi tôm giống, hay các vật tư đầu vào đều được kiểm soát rất chặt chẽ, tôm tươi nguyên con xuất khẩu vào thị trường Australia sẽ đảm bảo không có mầm bệnh. Đây là những bước đầu tiên nhằm đảm bảo chất lượng tôm xuất khẩu sang thị trường này.

 

Theo Kinh tế Việt Nam


Facebook