trai-cay-VN-1200x800.jpg

Xuất khẩu hàng rau quả đạt kỷ lục mới

30/05/2017 Air CargoHiệp HộiSalesXuất Khẩu

Xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam chinh phục nhiều thị trường

Tính đến hết tháng 4, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam, chiếm 82,9% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Ngoài ra, các thị trường đạt giá trị xuất khẩu hàng rau, quả tăng mạnh trong 4 tháng qua gồm Nga, Thái Lan, Malaysia….

Tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng rau quả hiện xếp vị trí thứ hai trong nhóm hàng nông sản, chỉ đứng sau tốc độ tăng trưởng của mặt hàng cao su với kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 611 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá trị xuất khẩu, rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (chỉ sau thủy sản và cà phê).

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu hàng rau quả sang 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, ngành rau quả cũng đã tích cực phát triển, mở rộng thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand…. Đặc biệt, mặc dù cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng rau quả hàng đầu Đông Nam Á nhưng những tháng vừa qua, Thái Lan đã nhập khẩu số lượng lớn rau quả từ Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả Việt sang Thái Lan đã tăng trưởng trên 34%.

Giữa tháng 4 vừa qua, tin vui tiếp tục đến với nhóm ngành rau, quả nói chung và trái vú sữa Việt Nam nói riêng khi theo thông tin từ Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, từ ngày 19/1/2018, vú sữa tươi của Việt Nam trở thành loại trái cây thứ 5 (sau thanh long, chôm chôm, vải, nhãn) chính thức được nhập khẩu vào thị trường này. Hoa Kỳ cũng đang xem xét và sẽ sớm có câu trả lời về việc nhập khẩu trái xoài tươi của Việt Nam. Hoa Kỳ vốn là thị trường khó tính và dù được mở cửa cấp phép nhưng trong những năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể chỉ khoảng vài ngàn tấn. Tuy vậy, việc vào được thị trường này sẽ tạo cơ hội lớn cho rau quả đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, đáp ứng đòi hỏi cao của thị trường.

Thêm cơ hội cho rau quả Việt

Những tháng tới sẽ vào vụ của hàng loạt các loại rau quả xuất khẩu chủ lực của nước ta như vải thiều, nhãn lồng…, hứa hẹn đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả tiếp tục tăng cao, đạt nhiều thành tích mới.

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á – Bộ Công Thương cũng cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại rau quả từ 5 nước Trung Đông do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Đây sẽ là cơ hội cho rau quả Việt Nam, bởi việc Chính phủ UAE cấm nhập khẩu các loại rau và trái cây từ 5 quốc gia nói trên có thể sẽ đẩy giá các loại rau và trái cây tại UAE lên cao trong ngắn hạn, do hạn chế nguồn cung chuẩn bị cho mùa lễ Ramadan diễn ra cuối tháng 5 này. Mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của UAE rất cao. Cụ thể, năm 2014 nhập khẩu gần 3,2 tỷ USD, năm 2015 đạt khoảng 2,6 tỷ USD và trên 2,5 tỷ USD năm 2016.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả từ Việt Nam sang UAE còn hạn chế, chỉ đạt 14,2 triệu USD năm 2014; 16,2 triệu USD năm 2015 và 22,8 triệu USD năm 2016. Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước đó nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của UAE. Do rau quả Việt Nam ngày càng được nhiều thị trường biết đến và ưa chuộng, việc tăng kim ngạch xuất khẩu sang UAE là hoàn toàn có thể xảy ra.

Dự kiến, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả có thể đạt 3 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016. Mục tiêu này được nhận định là sẽ có nhiều khả năng thành hiện thực, bởi theo Bộ Công Thương, năm 2017 có 2 yếu tố thuận lợi cho nông sản nói chung và ngành rau, quả nói riêng. Thứ nhất, thị trường tiêu thụ đang có cơ hội mở rộng do Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do với trên 50 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Thứ hai, giá nông sản đang có xu hướng tăng vì nhu cầu thị trường thế giới tăng cao. Chưa kể, thời điểm xuất khẩu nông sản nói chung và rau, quả nói riêng đạt “đỉnh” sẽ rơi vào khoảng từ quý II đến cuối năm, nên cơ hội tăng xuất khẩu hàng rau quả còn rất lớn. Ngoài ra, việc “cán” mốc 1 tỷ USD chỉ sau 4 tháng sẽ là “cú hích” lớn cho việc hoàn thành mục tiêu 3 tỷ USD này.

Hiện Việt Nam đã đàm phán và dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng rau quả XK gồm: Xoài xuất khẩu sang Australia; thanh long xuất khẩu sang Đài Loan; nhãn và vải xuất khẩu sang Thái Lan…. Năm 2017, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để đẩy nhanh việc cấp phép xuất khẩu xoài sang Mỹ; thanh long ruột đỏ sang Nhật và vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm sang Hàn Quốc.

 

Theo Kinh Tế VN


Facebook