7521.png

Đề nghị New Zealand hỗ trợ Việt Nam lập chuỗi giá trị cho thanh long và bơ

06/10/2018 Air CargoHiệp HộiSalesXuất Khẩu

Phát biểu tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – New Zealand. Hai bên cần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt là nâng cao kim ngạch thương mại 2 chiều hiện đang còn khiêm tốn. Đánh giá cao New Zealand có chuỗi giá trị sản xuất quả kiwi rất nổi tiếng và thành công, Thủ tướng đề nghị New Zealand hỗ trợ Việt Nam tổ chức sản xuất và tạo chuỗi giá trị cho quả thanh long để đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới, đặt vấn đề về hợp tác sản xuất, xuất khẩu quả bơ của Việt Nam và đồng thời đề nghị phía New Zealand tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng nông sản và thủy sản Việt Nam vào thị trường New Zealand bằng cách đẩy nhanh các thủ tục liên quan tới quy trình phân tích rủi ro nhập khẩu.

Về phía New Zealand, bộ trưởng Damien O’Connor cho biết, New Zealand tuy với dân số không nhiều, 4,5 triệu người nhưng đã áp dụng thành công các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và thành công với phát triển chuỗi giá trị quả kiwi, từ chọn giống thơm ngon đến bảo quản và xuất khẩu, New Zealand rất sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị cho quả thanh long. Bộ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam có thể xây dựng chuỗi giá trị cho quả bơ để thúc đẩy xuất khẩu và New Zealand cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều lĩnh vực khác.

Bộ trưởng Damien O’Connor khẳng định New Zealand sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ, giúp Việt Nam phát triển tiềm năng sẵn có trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Để tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương, New Zealand hướng đến việc đảm bảo các quy trình thương mại hoạt động hiệu quả để hàng hóa lưu thông thuận lợi hết sức có thể. Về đề nghị mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, Bộ trưởng New Zealand Damien O’Connor cam kết sẽ thúc đẩy nhanh việc xem xét tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông sản Việt Nam trong tương lai vì ông cũng bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam.

Ngoài ra, bộ trưởng Damien O’Connor cho biết sắp tới, trái bưởi, vú sữa và nhãn có thể sẽ được xúc tiến xuất khẩu vào thị trường giàu tiềm năng này, sau khi quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu của New Zealand kết thúc. Đây là một trong những tín hiệu khả quan cho lĩnh vực xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam; bởi mới đầu tháng 4/2018, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được phép xuất khẩu chôm chôm cùng với xoài và thanh long (năm 2011 và năm 2014) vào thị trường cao cấp này.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và New Zealand tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 lên 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2014 đạt hơn 800 triệu USD, 2015 đạt hơn 700 triệu USD và năm 2016 đạt xấp xỉ 707 triệu USD (Việt Nam xuất 358 triệu USD và nhập 349 triệu USD). Riêng năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 900 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 425 triệu USD và nhập hơn 401 triệu USD.

Tại chuyến thăm chính thức New Zealand hồi đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – New Zealand đạt 2 tỷ USD vào năm 2020, nhất là khi hai nước cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mới được ký kết.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng sẵn có cũng chưa hề đơn giản vì trước tiên vấn đề chi phí vận chuyển, chiếu xạ, đóng gói để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, bảo quản là khoản chi phí đáng kể với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính những đòi hỏi khắt khe về chất lượng của nước nhập khẩu cũng trở thành bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Để khắc phục những vấn đề này, theo doanh nghiệp và thương vụ Việt Nam, đòi hỏi một giải pháp dài hơi. Doanh nghiệp cần có sự đầu tư về kho lạnh, cơ sở đóng gói và chiếu xạ đủ tiêu chuẩn ngay tại vùng trồng để tiết giảm chi phí. Hơn hết, các địa phương cần có sự hướng dẫn với chính người nuôi trồng để thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hoạt chất nhằm hạn chế rủi ro khi tuân thủ quy định chất lượng của nhà nhập khẩu.

Theo Sài Gòn Giải Phóng và VTV


Facebook