xuat-khau-nga-hil.jpeg

Cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nga

16/08/2016 Xuất Khẩu

Vướng khâu thanh toán

Để chuẩn bị chương trình này, ITPC đã lấy ý doanh nghiệp về những khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Nga. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết hiện còn trong giai đoạn tìm hiểu thị trường hoặc đã có nhiều đơn hàng cho thị trường Nga nhưng còn gặp khó khăn về khâu thanh toán.

Công ty Nghị Lực chuyên về hàng nông sản cho biết đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, mong muốn được cung cấp thêm thông tin về chi phí và các thông tin nhu cầu thị trường để có định hướng xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Thoại, Công ty may Mekong chia sẻ, công ty hiện đang thực hiện nhiều đơn hàng gia công cho đối tác Nga. Tuy nhiên, gần đây công ty gặp vấn đề trong khâu thanh toán với đối tác. Tới đây công ty sẽ tham dự hội chợ tìm hiểu thêm thông tin về thị trường Nga (lượng hàng, đơn giá), từ đó có định hướng xuất khẩu trực tiếp hoặc tìm kiếm đối tác tại Nga.

Giới thiệu về thị trường Nga, bà Bích Thu, đại diện Incentra cho biết người tiêu dùng Nga tương đối dễ tính, hàng hóa với chất lượng Việt Nam đã có thể đủ đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng Nga. Cơ hội mở ra cho hàng nông sản Việt Nam khi Nga gia hạn lệnh cấm vận nông sản từ châu Âu tới cuối năm 2017 đồng thời cấm vận hàng rau quả, thịt, hoa từ Thổ Nhĩ Kỳ từ 2016. Cộng đồng doanh nghiệp tại Liên bang Nga rất mạnh và đoàn kết, là mạng lưới hỗ trợ đắc lực, còn có thể đóng vai trò phân phối, tiêu thụ cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Nhiều chính sách của Chính phủ Việt Nam cũng đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu vào thị trường Nga.

Về thanh toán, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang xúc tiến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Liên bang Nga, như: xem xét ban hành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu; làm đầu mối kết nối doanh nghiệp Việt Nam với Công ty Incentra và các đối tác đang hoạt động tại Nga; thành lập tổ đại diện của BIDV tại Nga; làm việc với các ngân hàng tại Nga, xây dựng cơ chế thanh toán an toàn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội – Moscow Incentra đã được khánh thành, nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, nơi cửa ngõ vùng Đông Bắc Moscow nên rất thuận tiện cho việc giao lưu giữa các tỉnh thành, các địa phương lớn của Liên bang Nga. Khu Trung tâm Thương mại  có tổng diện tích khoảng 34.000 m2 phù hợp với việc trưng bày, giới thiệu, kinh doanh các mặt hàng khác nhau như: quần áo, giày dép, đồ gỗ gia dụng, siêu thị thực phẩm…

Cơ hội xuất khẩu sang Nga

Phó Giám đốc ITPC Hồ Xuân Lâm cho biết, Nga đầu tư phát triển mảng công nghiệp nặng nên thị trường các sản phẩm công nghiệp nhẹ vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. Đặc biệt, với mối quan hệ lâu đời và tình cảm tốt đẹp giữa hai đất nước Nga – Việt, doanh nghiệp Việt có rất nhiều lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

Thị trường Nga có rất nhiều tiềm năng để khai thác nếu doanh nghiệp tìm hiểu kỹ thị trường và quyết tâm phát triển. Với FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan được kí kết từ 2015, Việt Nam sẽ tạo cơ hội khai thác thị trường Liên minh Hải quan và trở thành nước đầu tiên ngoài SNG có FTA với khu vực này, có  lợi thế người đến đầu tiên. Ít nhất 80% hàng hóa vào Nga sẽ được miễn thuế. Hàng tiêu dùng sẽ hưởng lợi lớn do Nga không tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp này và hài hòa được các quy định về TBT, SPS, Hải quan….

Để gia tăng thương mại trong thời gian tới cần thực hiện nhiều hành động như xóa bỏ rào cản thuế quan, phi thuế quan, thuận lợi hóa thanh toán, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng giao thương giữa các địa phương, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp tại các địa phương, phát triển chính sách giá hiệu quả cũng như tăng cường hợp tác sứ quán, thương vụ và tổ chức các hội chợ triển lãm tại Nga.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu vào Nga cần đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực cả về vốn, thời gian và nhân sự. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dài hạn và kiên trì theo đuổi các mục tiêu của mình.

Các doanh nghiệp khi bước đầu tìm đối tác nhập khẩu cần tham khảo Đại sứ quán, đại diện thương mại của Việt Nam tại Nga để cung cấp thông tin cần thiết, thẩm định năng lực, uy tín của đối tác; hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tìm kiếm đối tác và phương thức kinh doanh tại Nga; tuân thủ pháp luật của Việt Nam và Nga trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực tham gia vào các hoạt động XTTM của Chính phủ cũng như của các hiệp hội ngành hàng tổ chức tại Nga; phát triển mạng lưới các mối quan hệ với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương.

Khi đã thiết lập được quan hệ, các doanh nghiệp Việt Nam cần cố gắng duy trì liên lạc thường xuyên với đối tác của mình để tạo sự tin tưởng, yên tâm làm ăn lâu dài hướng tới kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2020- đúng như cam kết của Chính phủ hai nước.

Theo Báo Hải quan


 


Facebook