xuất-khẩu-thanh-long-e1476158639116-1200x750.jpg

Thêm cơ hội cho xuất khẩu thanh long

05/10/2016 Air CargoOcean CargoSalesXuất Khẩu

Việt Nam xuất khẩu thanh long đến nhiều thị trường khó tính

Với diện tích gần 30.000ha, Việt Nam được đánh giá là nước trồng và xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới. Hiện, thanh long Việt đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Điều đáng mừng, không những chinh phục được những thị trường lân cận, thanh long Việt còn “được lòng” rất nhiều thị trường khó tính. Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, thanh long tươi là một trong những mặt hàng nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận thị trường Australia. Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia vừa hoàn thành báo cáo dự thảo đánh giá về trái thanh long tươi của Việt Nam; trong đó, đề xuất cấp giấy phép nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam vào thị trường này với điều kiện đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học. Dự kiến, đầu năm tới, trái thanh long sẽ được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Nếu được cấp phép, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này được cấp phép xuất khẩu thanh long vào thị trường Australia.

Trước đó, cuối năm 2014, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand đã ban hành quy định nhập khẩu và thông quan đối với thanh long Việt Nam, đưa thanh long Việt trở thành loại thanh long duy nhất được cấp phép nhập khẩu vào New Zealand. Mặc dù đây không phải thị trường kỳ vọng XK được nhiều (dân số chưa đầy 5 triệu dân), nhưng việc được xuất khẩu thanh long vào thị trường này sẽ là một thành công lớn bởi New Zealand là một quốc gia tiên tiến hàng đầu thế giới với các quy định, tiêu chuẩn cao. Do đó, xuất khẩu sang New Zealand thành công giúp thanh long Việt có cơ hội có mặt tại nhiều thị trường khó tính khác như Argentina, Chile, Brazil…

Ngoài ra, đến nay, nhiều thị trường khó tính khác như Nhật Bản và Mỹ đã mở cửa cho thanh long ruột trắng; Hàn Quốc chấp nhận nhập khẩu thanh long ruột trắng và ruột đỏ của Việt Nam.

Hình thành vùng chuyên canh cho xuất khẩu thanh long 

Với 80% sản lượng dành cho xuất khẩu, việc xây dựng những vùng trồng thanh long tập trung, đồng thời đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, chinh phục ngày càng nhiều hơn các thị trường khó tính là điều vô cùng quan trọng. Đơn cử, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Đề án phát triển cây thanh long Chợ Gạo giai đoạn 2009 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020… Thực hiện đề án này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đã đầu tư công nghệ nhằm nâng cao giá trị cho trái thanh long XK như Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu (thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An) đã đầu tư, sản xuất 60 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phục vụ xuất khẩu riêng cho các thị trường khó tính…

Một trong những vấn đề tồn tại lớn nhất của xuất khẩu thanh long Việt là nạn ruồi đục quả đang làm giảm nghiêm trọng chất lượng quả. Để giải quyết vấn nạn này, dưới sự giúp đỡ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Viện Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai Dự án quản lý, phòng trừ ruồi hại quả diện rộng trên cơ sở sử dụng biện pháp triệt sản côn trùng (SIT). Đây là biện pháp được cho là có thể xử lý “vấn nạn” ruồi đục quả ngay trên đồng ruộng và đạt tiêu chuẩn xuất thẳng sang những thị trường khó tính mà không cần xử lý sau thu hoạch với những máy móc tốn kém.

Dự án đang chờ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và nếu được thông qua, dự kiến tới năm 2017 – 2018, những con ruồi bất dục đầu tiên do Việt Nam nuôi sẽ được thả vào các vườn thanh long ở Bình Thuận, cạnh tranh giao phối với những con ngoài tự nhiên khiến ruồi không thể sinh sản được nữa, từ đó tạo ra một vùng không có ruồi đục quả.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, diện tích thanh long cả nước đạt hơn 28.700ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 23.820ha, sản lượng ước 520.000 tấn/năm;  80% sản lượng thanh long được dùng cho xuất khẩu.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương)


Facebook